VÙNG QUÊ THỐI NÁT

5

Tôi, Hà Phỉ Nhi, là một nhà thiết kế thời trang có tiếng trong giới.

Người sống trên đời cũng giống như củ hành tây vậy, luôn thích gói mình trong từng lớp từng lớp vỏ ngoài. Nhưng lại có một số người thích nhất là đi đào bới cái vỏ của người khác ra, vạch trần hết thảy những khuyết điểm mà người ta có.

Tôi cũng từng bị người khác đào bới như thế. Bọn họ đào tới đào đi, cuối cùng cũng chỉ đào được việc tên thật của tôi là Hà Tiểu Thúy, từng làm nhân viên phục vụ trong khách sạn lớn, bởi vậy nên mới quen biết chủ tịch Nghiêm của Đường Nông rồi lọt vào mắt xanh của anh ta.

Thực ra tôi rất chờ mong việc tiếp tục bị người ta bóc từng lớp vỏ xuống, nhưng không biết do năng lực của bọn họ có hạn hay vì lý do nào đó mà bọn họ đào mãi cũng không ra người tên là Dương Tiếu này.

Không có một ai đề cập đến Dương Tiếu và nơi mà chúng tôi đã cùng lớn lên từ nhỏ, vậy nên nó cứ như vậy mà dần trở nên hư thối trong trí nhớ của tôi.

Cách đây vài năm phòng làm việc của tôi đã từng công bố một series về quần áo và trang sức.

Tên của nó là "Vùng quê thối nát".

Người trong giới xưng đây là tác phẩm kỳ lạ nhất mà tôi từng thiết kế.

Những tưởng tượng không có giới hạn, vận dụng sắc đen và sắc trắng dày đặc đến cực hạn, những hoa văn vỡ vụn dường như ám chỉ cái c.hết, được biết đến là nếu cẩn thận nghiền ngẫm thì sẽ càng nghĩ càng thấy ớn.

Cũng chính vì như vậy nên series “Vùng quê” không bán chạy lắm, chỉ có một lượng nhỏ người tiêu dùng ủng hộ.

Lúc lên kế hoạch quảng bá, bộ phận PR hỏi tôi về linh cảm sáng tác series này. Tôi ngồi trên ghế chủ tọa trong phòng họp nói với các cô ấy rằng: "Tôi sinh ra ở một thôn làng vô cùng lạc hậu, mấy năm nay tôi thường sẽ mơ thấy một giấc mơ. Trong giấc mơ đó tôi lại quay trở về nơi ấy, cứ mãi đi thẳng trên bãi cỏ rộng lớn vô tận kia."

"Tôi đã đi rất lâu, đi mãi cho đến khi nằm lên mặt cỏ không thể đi thêm được nữa. Sau đó tôi dần héo mòn, dần hư thối, đôi mắt trở thành mắt cá c h ế t, làn da thối rữa, có rất nhiều giòi bọ bò qua bò lại trên người tôi..."

Phòng họp vô cùng yên tĩnh, bọn họ mở to mắt nhìn tôi, tôi tiếp tục nói: "Nhưng mà tôi cảm thấy vô cùng thoải mái, gió thổi cỏ lay, dường như từ trước đến giờ thế giới này chưa từng yên tĩnh đến như vậy."

Cuối cùng những lời này vẫn không được chọn để dùng cho chiến dịch quảng bá, bởi vì bọn họ nói rằng nó quá đen tối và đáng sợ.

Tôi cũng không để bụng, lúc trong phòng họp chỉ còn lại một mình tôi, tôi đứng ở bên cửa sổ, từ nơi xa nhìn về phía thành phố phồn hoa này.

Sẽ không có ai để ý tới cái nơi c h ế t tiệt đó.

Một thôn làng nhỏ ở thành phố phía nam, lạc hậu, nghèo đói, ngu muội, không được giáo hóa(*).

(*) Giáo hóa: Truyền thụ tư tưởng, tri thức và trau dồi tình cảm bằng giáo dục.

Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, những chỗ như thế này có rất nhiều, mà tôi lại vừa hay sinh ra ở nơi đây.

Một thôn làng trọng nam khinh nữ, nếu trong nhà có nhiều con gái thì có thể vừa sinh ra đã bị đưa cho người khác nuôi.

Vùng lân cận thôn trấn chỉ có một trường học, thường thì con gái chưa học xong cấp hai đã bỏ học, đi làm vài năm rồi đợi đến tầm mười bảy mười tám tuổi sẽ bắt đầu được mai mối rồi vội vàng lấy chồng.

Đây là vận mệnh của đại đa số các cô gái, ai cũng đều đã tập mãi thành thói quen.


Không ai nói cho chúng tôi biết ý nghĩa của sự sinh tồn là gì, cũng chẳng ai dạy cho chúng tôi cách phản kháng và cứu rỗi chính mình ra sao. Giáo hóa là gì? Giáo hóa chính là nghe lời cha mẹ, sống trên đời này chính là vì ăn uống ngủ nghỉ.

Nơi lạc hậu, cũng là nơi mà tội ác dễ dàng sinh sôi.

Nghe cứ như nói mơ giữa ban ngày, nhưng tôi sẽ không giấu giếm. Tôi sinh ra ở đây, chú của tôi là một tội phạm h i ế p d â m g i ế t n g ư ời.

Ông ta tập trung vào mục tiêu, ngồi canh me rồi chạy trốn, chẳng biết đã gây ra bao nhiêu vụ án. Vào lần cuối cùng ông ta g i ế t n g ư ờ i v ứ t x á c thì rốt cuộc cũng bị cảnh sát để mắt tới.

Năm tôi bảy tuổi chính là năm mà ông ta bị bắt.

Buổi tối hôm ấy tôi nghe lén cuộc nói chuyện của cha mẹ, nghe được cha tôi nói với mẹ bằng giọng điều tràn đầy may mắn: "Cảnh sát không có bằng chứng, đúng lúc mấy ngày hôm nay có mưa to, chỉ cần chịu đựng không khai ra thì cũng sẽ không đến nỗi bị xử bắn."

Dưới ánh đèn vàng chập choạng, khuôn mặt của bọn họ trông mờ ảo không rõ.

Bọn họ không quan tâm sự thật là gì, không quan tâm cô gái đã bị hại, chỉ biết oán trách cảnh sát, lo lắng cho người thân của mình.

Mà chú của tôi quả thật đã chịu đựng được. Ông ta bị đánh suýt chút nữa thì c h ế t nhưng vẫn không chịu nhận. Thế nên tội g i ế t n g ư ờ i không được thành lập.

Năm tôi bảy tuổi ông ta đã ngồi tù. Năm tôi mười bảy tuổi, vì biểu hiện tốt đẹp nên ông ta được giảm án một lần nữa, cuối cùng được ra tù nguyên vẹn không có chút tổn hao nào.

Thím và em họ của tôi vẫn đang chờ ông ta, cả gia đình họ đã được đoàn tụ.

Lúc ban đầu mọi người đều tin vào chính nghĩa, nhưng sau quá trình cha mẹ tôi không ngừng tẩy não, vậy mà tôi cũng dần sinh lòng nghi ngờ rằng chú tôi thật sự vô tội.

Ông ta "bị quỷ ám" nên mới gây ra sai lầm, nhưng tội không đáng c h ế t, cảnh sát muốn vu oan giá họa nên mới gắn cho ông ta tội danh g i ế t n g ư ờ i.

Thằng em trai tuổi nhỏ của tôi xì một tiếng khinh miệt: "Đồ cảnh sát thối tha!"

Lúc tôi ngồi chơi trong nhà Dương Tiếu, tôi nói với chị Dương Hoan rằng chú tôi không g i ế t n g ư ờ i, ông ta vô tội.

Dương Tiếu ngồi bên cạnh nhìn tôi như thể đang nhìn một kẻ ngu xuẩn, anh mắng: "Mày có bị điên không? Ai mà không biết ông ta g i ế t n g ư ờ i, không bị kéo đi xử bắn là còn may cho ông ta đấy!"

"Hà Tiếu Thúy, mày cũng nên bị kéo đi xử bắn. Chú mày là tội phạm g i ế t n g ư ờ i mà mày còn bao che cho ông ta!"

Năm đó tôi mười một tuổi, Dương Tiếu mười hai. Nhà hai chúng tôi là hàng xóm, từ nhỏ đã lớn lên cùng nhau nhưng quan hệ của hai chúng tôi cũng không tốt, thường xuyên cãi nhau ầm ĩ.

Bình thường khi tôi sang nhà anh đều là tới tìm chị của anh là Dương Hoan để chơi.

Chị Dương Hoan lớn hơn tôi năm tuổi, chị chưa học xong cấp hai đã thôi học, sau đó đi làm trong xưởng dệt may ở trên thị trấn.

Chị ấy thích mặc váy đẹp, biết đan mấy vòng tay xinh xắn bằng dây thừng nhỏ, thắt hai bím tóc đen nhánh gọn gàng, lúc cười sẽ dùng tay che miệng.

Trước kia tôi thường xuyên thắc mắc, ông cụ Dương đã lớn tuổi như thế, chỉ là một ông lão chăn dê cả ngày đều cười hớn hở với đống nếp nhăn trên mặt. Tại sao lại có thể sinh ra đôi trai gái là Dương Hoan và Dương Tiếu có tướng mạo trông ưa nhìn như vậy chứ.

Tôi chưa từng gặp mẹ của bọn họ. Dương Tiếu cũng chưa từng nhìn thấy.

Nghe nói mẹ của bọn họ vô cùng trẻ tuổi, là người phụ nữ bị bọn buôn người lừa từ nơi khác đến. Ông cụ Dương mua bà ấy, sau khi sinh ra Dương Hoan rồi lại sinh thêm Dương Tiếu thì bà ấy đã chạy trốn.

Khi mà tội ác xảy ra xung quanh chúng ta, khi chúng ta đã mưa dầm thấm đất và tập mãi thành quen thì nhân tính sẽ trở nên c h ế t lặng, chính nghĩa sẽ bị bóp méo.

Hóa dân thành tục (*) quan trọng tới cỡ nào, trong mắt thôn dân thì ông cụ Dương mới là người bị hại, mẹ của Dương Tiếu là người phụ nữ nhẫn tâm bạc tình, vứt bỏ ba người nhà bọn họ rồi cứ thế mà chạy mất.

(*) Hóa dân thành tục: giáo dục nhân dân, hình thành phong tục tốt đẹp.

Một nơi vặn vẹo như thế lại chính là nơi mà tôi và Dương Tiếu lớn lên từ thuở nhỏ.

Phụ nữ bị lừa bán vào thôn cũng không chỉ có một mình mẹ của Dương Tiếu, nhưng bọn họ đều đã chấp nhận số phận, cho nên thời gian qua lâu rồi cũng sẽ không có ai cảm thấy rằng bọn họ là bị lừa bán đến.

Sống qua ngày ấy mà, chỉ cần có thể ăn no thì ở chỗ nào mà không phải là sống.

Phụ nữ không phải rồi cũng sẽ lấy chồng sinh con sao, gả đến đâu mà không phải là gả? Sinh con cho ai mà không phải là sinh?

Chấp nhận đi, cho qua đi.

Có gì mà không thể chịu đựng rồi sống hết một đời!

Đây cũng là hoàn cảnh sinh sống mà tôi đã trải qua từ ngày còn nhỏ, cũng chính là hoàn cảnh sinh sống của chị Dương Hoan.

Tôi đã từng hỏi Dương Tiếu rằng anh có hận mẹ mình như những gì mà người trong thôn vẫn hay nói không?

Dương Tiếu nói với tôi, anh không hận, nhưng đôi khi cũng sẽ nhớ bà ấy.

Anh chưa bao giờ nhìn thấy bà ấy cả, ngay cả một tấm hình đều không có.

Lời này vốn là tôi nên hỏi chị Dương Hoan, bởi vì quan hệ của tôi và Dương Tiếu vẫn luôn không được tốt nhưng chị Dương Hoan thì lại vô cùng dịu dàng, khi nào cũng nói với anh là không được bắt nạt tôi.

Ví dụ như lần đó anh nói nên kéo tôi đi xử bắn, tôi òa khóc.

Chị Dương Hoan an ủi tôi, lau nước mắt cho tôi rồi nói với Dương Tiếu: "Chuyện của người lớn không liên quan gì đến trẻ con. Thúy Thúy còn là trẻ con, em mắng chú của em ấy chứ đừng có mắng em ấy."

Trước đây Dương Tiếu thường xuyên mắng tôi, tôi cũng rất hay tranh cãi với anh. Nhưng sau khi cãi nhau xong rồi tôi vẫn sẽ chạy sang nhà anh như cũ.

Bởi vì em trai của tôi là thằng giặc giời trong nhà, nó cực kỳ ngang ngược, cái gì tôi cũng phải nhường nó.

Tivi trong nhà luôn luôn bật phim hoạt hình mà nó thích, nếu tôi mà dám tranh thì chắc chắn sẽ phải ăn vài bạt tai.

Cho nên nếu tôi muốn xem phim hoạt hình mà mình thích thì chỉ có thể chạy sang nhà Dương Tiếu coi ké. Lúc chị Dương Hoan ở nhà thì tôi có thể tùy ý mà xem, chị ấy còn cầm cả đồ ăn vặt ra cho tôi nữa. Nhưng nếu chị ấy không có ở nhà thì tôi phải nhìn mặt của Dương Tiếu mà làm, hết lần này đến lần khác bị anh đuổi về.

Tôi ăn vạ ở đấy không chịu đi, càng không thèm để ý đến anh.

Những lúc như thế anh sẽ che tivi lại, thở hồng hộc nói: "Hà Tiểu Thúy! Sao da mặt mày dày thế, còn dày hơn cả xi măng, dày hơn cả tường thành nữa! Có biết xấu hổ không hả!"

"Anh để em xem xong đã, xem hết tập này rồi em về." Tôi vội vàng la lên.

Anh hừ một tiếng, tiếp tục che tivi: "Anh mày không để mày xem đấy. Mày là ai mà cả ngày ăn vạ ở nhà anh!"

"Dương Tiếu, anh là anh trai em, anh ruột!"

"Đừng có dùng bài này."

"Anh tránh ra xem nào, sắp hết rồi!"

"Anh mày không tránh ra đấy."

Anh cố ý chắn đến khi hết tập phim hoạt hình khiến tôi tức giận đến phát khóc đã là chuyện bình thường ở huyện.

Dù có như thế thì lần sau tan học tôi vẫn sẽ chạy sang nhà anh chơi. Không những sang nhà anh chơi mà đôi khi tôi còn ở lại nhà anh, buổi tối ngủ cùng với chị Dương Hoan.

Những lần như thế cũng không nhiều, bởi vì sau khi cha mẹ tôi bận bịu làm xong công việc đồng áng thì sẽ tới nhà máy sản xuất thức ăn gia súc để làm việc. Bọn họ về nhà rất trễ nên tất cả việc nhà đều là của tôi, tôi còn phải phụ trách chăm sóc em trai cho thật tốt.

Tôi là con gái cho nên những việc này tôi phải làm là đạo lý hiển nhiên, đều là việc mà tôi nên làm.

Tôi ở nhà giặt giũ nấu nướng, nhờ em trai đã học lớp hai bật nước giùm, nó không chịu làm.

Quan hệ giữa tôi và nó cũng không tốt, bởi vì nó rất hay mách với cha mẹ rằng tôi bắt nó làm việc nhà.

Mỗi lần cha mẹ nghe thấy đều sẽ mất hứng mắng mỏ tôi.

Tôi nén giận, như chiếc lò xo trong miệng Dương Tiếu, đ è xuống rồi lại đè thêm, mãi cho đến khi đã không thể đè được nữa, tôi ấn đầu thằng em trai vào thùng nước.

Tôi hung ác nói: "Mày thích mách lẻo đúng không? Tao dìm c h ế t mày xem mày còn mách lẻo được nữa không!"

Nó bị sặc nước, sợ tới mức òa khóc nức nở. Sau khi cha mẹ tôi về nhà, dưới cặp mắt nhìn chằm chằm vào nó của tôi, cuối cùng nó cũng không dám nói gì.

Kể từ khi ấy tôi giống y hệt chiếc lò xo, bật thẳng lên trước mặt nó. Tôi bảo nó bấm nước thì nó phải đến bấm nước.

Tôi không thích em trai tôi, cũng không thích Dương Tiếu. Nhưng không thể không nói, đều là làm em trai của người khác nhưng Dương Tiếu đủ tư cách hơn nhiều.

Chị Dương Hoan làm việc ở xưởng dệt, nếu buổi tối phải về trễ thì anh sẽ đạp xe lên thị trấn đón chị ấy về. Cơm nước xong xuôi cũng sẽ chủ động đi rửa chén. Mặc dù anh không thích tôi nhưng lại vô cùng nghe lời chị gái của mình.

Đây là mối quan hệ chị em mà tôi luôn hâm mộ.

Năm tôi mười ba tuổi trên thị trấn có một rạp chiếu phim ngoài trời, ngày hôm đó đúng lúc cha mẹ tôi ở nhà, tôi năn nỉ cầu xin bọn họ rất lâu thì họ mới đồng ý cho tôi đi với chị Dương Hoan.

Tới chạng vạng tối chúng tôi bắt đầu đạp xe đi, chị Dương Hoan chở tôi. Đi đến nửa đường Dương Tiếu bảo tôi xuống, đi sang xe của anh ngồi.

Anh nói: "Hà Tiểu Thúy, mày muốn chị anh mệt c h ế t à, đi sang đây nhanh lên."

Chị Dương Hoan khẽ mỉm cười rồi nói: "Thúy Thúy không hề nặng tí nào, em ấy gầy mà."

Mặc dù chị ấy nói như vậy nhưng tôi vẫn nhảy xuống khỏi xe đạp, chạy sang ngồi lên sau xe Dương Tiếu, hơn nữa còn ấm ức nói với anh: "Đừng có chở em lao xuống mương!"

Dương Tiếu hừ một tiếng, lại mở miệng mắng tôi: "Mày bị bệnh à?"

"Anh có thuốc sao?"

"Có, thuốc trị bệnh điên có uống không?"

"Có uống, anh lấy ra đây."

"Hà Tiểu Thúy, mày đúng là điên thật rồi..."

"Hừ! Anh hết thuốc thì đừng có mà nói em bị điên!"

6

Ngày hè năm mười ba tuổi ấy, tôi cũng không nhớ rõ rạp chiếu phim ngoài trời đến cùng đã chiếu phim gì.

Tôi chỉ còn nhớ rằng khi ấy có rất nhiều người, vô cùng chen chúc, vô cùng náo nhiệt.

Chị Dương Hoan mặc một chiếc váy hoa nhí, mua nước ngọt và còn dẫn cả tôi với Dương Tiếu đi ăn mì lạnh cuộn.

Tôi thật sự rất vui vẻ, thị trấn là nơi xa nhất mà tôi đã từng đi, lần đầu tiên được ăn mì lạnh cuộn chính là do chị Dương Hoan mua từ trên thị trấn về.

Mới đầu tôi không dám ăn, chỉ cầm trên tay nhìn chòng chọc vào nó. Dương Tiếu thấy vậy liền hù dọa tôi: "Mày đừng có ăn, bên trong có cức đó."

Tôi bị lời anh nói làm giật nảy cả mình, chị Dương Hoan không nhịn được mà đánh anh một cái: "Dương Tiếu! Em nói bậy bạ gì đó, có thấy gớm không hả!"

Tôi phản ứng lại ngay, hung hăng cắn một miếng, quay ra kêu la với anh bằng cái miệng đầy ắp đồ ăn: "Có cức em cũng ăn, em thích ăn cức đấy! Ai cần anh lo!"

Dương Tiếu lập tức sững sờ, sau đó không nghẹn lại được mà phì cười.

Chị Dương Hoan cũng cười, sau đó trở tay vỗ cho tôi một cái: "Hai đứa bây đủ rồi đó, có thấy mắc ói không hả."

Thẳng thắn mà nói thì mặc dù gã Dương Tiếu này luôn nhìn tôi không vừa mắt nhưng anh lại vô cùng có nghĩa khí.

Năm tôi học lớp bảy thì anh học lớp tám, hai chúng tôi học chung một trường.

Có lần tôi gặp phải một tên côn đồ đã bỏ học ngay trước cổng trường, tên đó nói muốn làm bạn bè với tôi, muốn dẫn tôi lên thị trấn chơi. Tôi sợ hãi cực kỳ, cũng may là lúc đó Dương Tiếu đi đến giơ tay kéo tôi ra sau lưng, anh nói: "Nó không đi, nó phải về nhà làm bài tập với tao rồi."

Lúc tôi bị anh túm về, mặt mũi sợ hãi đến nỗi tái nhợt.

Dương Tiếu vẫn bày ra khuôn mắt thúi hoắc đó với tôi, nhưng sau khi đưa tôi đến cửa nhà thì lại nói: "Sau này tan học thì về nhà với anh."

Thành tích học tập của tôi và Dương Tiếu đều rất tốt, đều đứng top đầu trong lớp. Nhưng cha mẹ tôi nói cùng lắm thì cũng chỉ cho tôi học xong cấp hai thôi. Con gái con đứa biết chữ là được rồi, dù sao sớm muộn gì cũng phải gả chồng sinh con.

Bọn họ kiếm tiền cũng chẳng dễ dàng gì, phải tiêu hết vào người em trai thì mới coi là không bị lỗ.

Nếu thành tích học tập của em trai tốt thì có thể tiếp tục học lên, thành tích không tốt thì tương lai vào trường dạy nghề học. Bọn họ sẽ lo lắng che chở cho nó, phụ trách với nó đến cùng.

Cha mẹ tôi cũng bất công như rất nhiều đôi cha mẹ khác, sẽ đánh mắng tôi vì nó, khiến tôi chịu đựng vô số tủi thân.

Lòng tôi cũng từng có bất mãn và oán hận. Nhưng mỗi lần nhìn bọn họ cầm bánh bao dưa muối đi tới xưởng sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, phải làm việc ngày đêm không ngừng nghỉ thì rốt cuộc lại mau chóng cho qua.

Thôi bỏ đi, bỏ đi.

Thương yêu em trai hơn là chuyện quá bình thường mà, gia đình nào mà chẳng như thế. Chúng tôi bị tẩy não từ ngày còn bé, bất tri bất giác đã thừa nhận quy tắc kia từ lâu.

Quy tắc đó chính là đàn ông con trai đội trời đạp đất, tôi phải tự nguyện trở thành bàn đạp của em trai. Đồng tâm hiệp lực với cha mẹ, cùng nhau nâng đỡ nó lên thật cao. Cho dù sau này kết hôn rồi cũng phải trở thành chất dinh dưỡng mà nó có thể tùy thời hấp thu, nó là hy vọng của nhà chúng tôi, gánh vác trách nhiệm nối dõi tông đường.

Hơn nữa nó còn là chỗ dựa bên nhà mẹ đẻ để sau này tôi không bị nhà chồng xem thường.

C h ế t tiệt! Mặc dù lúc đó trong lòng tôi có bất mãn, có oán hận nhưng sâu bên trong suy nghĩ cũng đã thừa nhận cách nói này rồi.

Ngày mới mười ba tuổi đầu óc của tôi đã bị tẩy rửa hoàn toàn như thế đấy.

Có lẽ lần đầu tiên tôi sinh ra suy nghĩ phản kháng là vào đêm mà chúng tôi xem hết bộ phim ở rạp chiếu ngoài trời, tôi ngủ lại ở nhà Dương Tiếu, nằm chung một giường với chị Dương Hoan.

Chị Dương Hoan biết thành tích học tập của tôi rất tốt nên chị ấy đã cho tôi xem một bức thư. Đó là thư mà người bạn tên Nhạn Tử từng ngồi cùng bàn hồi cấp hai với chị ấy gửi về.

Nhạn Tử là cô gái duy nhất ở vùng lân cận thôn làng của tôi có thể thi lên đại học.

Không những là thành tích học tập của cô ấy rất tốt mà vận may cũng không hề kém tí nào. Lúc vừa sinh ra cô ấy đã bị cha mẹ đưa cho cô của mình, cô của cô ấy thương yêu cô ấy như con ruột, trong nhà cũng có tiền nên luôn chu cấp đầy đủ cho cô ấy đi học.

Sau khi lên đại học cô ấy viết cho chị Dương Hoan một bức thư, trong thư có một tấm bưu thiếp, là quang cảnh dòng sông ở thành phố lớn, bên kia bờ có những tòa cao ốc rực rỡ ánh đèn.

Trong thư miêu tả về trường đại học và khát khao đối với tương lai đã khiến chúng tôi vô cùng xúc động.

Chị Dương Hoan nói, Thúy Thúy, em phải học cho giỏi, sau này thi lên đại học rồi cũng có thể bay ra ngoài giống như Nhạn Tử, sẽ có một cuộc đời rộng lớn hơn.

Tôi nói, em có thể làm được sao? Cha mẹ em chỉ cho em học hết cấp hai thôi.

Chị Dương Hoan suy nghĩ một lúc mới nói tiếp: "Nếu em có thể thi được vào top ba toàn huyện thì sẽ được miễn toàn bộ học phí. Đến lúc đó nhà trường nhất định sẽ khuyên cha mẹ em để em tiếp tục đi học, vậy là có hy vọng rồi."

"Top ba cả huyện khó quá, ở trong lớp em mới đứng thứ tư thôi à."

"Đừng nản, bây giờ em cố gắng thì vẫn còn cơ hội mà."

"Nói thì dễ chứ làm thì còn khó hơn bay lên trời nữa."

"Thần Châu số 5 vừa mới cất cánh bay vào vũ trụ mà giờ em còn ở đây kêu la khó lên trời?"

"Em đâu có phải Thần Châu số 5, trên mông cũng không gắn hai ngọn lửa như thế."

"Thành tích của Dương Tiếu không tệ, em không hiểu chỗ nào thì cứ tới hỏi nó."

"Hừ, anh ấy sẽ không phản ứng em đâu, anh ấy phiền em nhất luôn ấy!"

"Ai bảo em thế, hôm trước chị với nó mua hạt dưa ở chợ, Dương Tiếu còn nói mua thêm ít vị sốt gà, em thích ăn cái đó."

"Không thể nào! Chị lừa em!"

"Thật mà, nó nói đấy."

"Chị nói lại em nghe lúc đấy anh ấy nói thế nào."

"...."

"Chị nói đi!"

"Nó nói mua ít vị cức gà về, có người thích ăn cức..."

Lùi Tiến Quay lại